Giải mã chiến lược 2 đòn bẩy giúp cỗ xe lu Hòa Phát xô đổ mọi kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận trong vài năm gần đây

Doanh thu của Hòa Phát năm 2020 đạt 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 15.357 tỷ đồng, tăng 69%. Những điều này cũng phản ánh vào giá cổ phiếu của Hòa Phát khi tăng gấp 10 lần chỉ sau 5 năm.
Báo cáo phân tích công bố hồi tháng 4/2021 của VnDirect về tập đoàn Hòa Phát với đề tựa “Khi triều dâng” cùng triển vọng tích cực cả ngắn hạn và dài hạn. Xem xét về mặt kết quả kinh doanh, Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong năm 2020. Doanh thu của tập đoàn này năm 2020 đạt 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 15.357 tỷ đồng, tăng 69% so với năm trước. Những điều này cũng phản ánh vào giá cổ phiếu của Hòa Phát khi tăng gấp 10 lần chỉ sau 5 năm.
Theo chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long trên kênh Tài chính và Kinh doanh, kết quả ấn tượng Hòa Phát gặt hái được như vậy bởi có quá nhiều thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tập đoàn này được cả thị trường kinh doanh và thị trường tài chính ủng hộ, nhận về cú hích từ đòn bẩy kinh doanh và đòn bẩy tài chính.
Đòn bẩy kinh doanh
Yếu tố đầu tiên giúp Hòa Phát đạt được kết quả kinh doanh, lợi nhuận ấn tượng là nhờ chiến lược gia tăng đòn bẩy kinh doanh. Theo đó đây là việc doanh nghiệp đầu tư vào tài sản, gia tăng công suất sinh lợi (Earning Capacity).
“Nếu doanh nghiệp nào đầu tư nhiều vào công suất sinh lợi và được thị trường kinh doanh ủng hộ như Hòa Phát năm vừa rồi thì lợi nhuận sẽ tăng vọt”, chuyên gia Long Phan phân tích.
Đầu tư vào công suất sinh lợi với doanh nghiệp hình dung dễ hiểu là đầu tư vào nhà máy, năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực tạo ra tiền.
Nếu nhìn vào bảng cân đối kế toán có thể thấy quy mô của Hòa Phát tăng thể hiện ở việc gia tăng hàng tồn kho. Hạng mục này tại thời điểm 31/12/2021 đạt 26.287 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với thời điểm cuối năm 2015. Giải thích dễ hiểu hơn, đây là những mặt hàng sản phẩm được doanh nghiệp giữ để bán ra sau cùng. Hay là những mặt hàng dự trữ mà một công ty sản xuất ra để bán và những thành phần tạo nên sản phẩm.

Điểm nhấn của đầu tư vào công suất sinh lợi của Hòa Phát trong vài năm gần đây phải kể đến dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Báo cáo thường niên năm 2017 tập đoàn này khẳng định năm 2018 sẽ là mốc quan trọng với việc Hòa Phát dốc toàn tâm, toàn lực xây dựng đại dự án này hiện đại ngang tầm thế giới và dự kiến sẽ cho ra lò những mẻ thép chất lượng cao cấp nhất đầu tiên. Hoà Phát rót vào dự án này tới 52.000 tỷ đồng.
Công suất của khu liên hợp lên tới 4 triệu tấn/năm, khép kín chuỗi giá trị các sản phẩm thép từ quặng sắt đến phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao, thép cuộn cán nóng, ống thép, tôn mạ, thép dự ứng lực. Cuối năm 2017, Hòa Phát đã đưa ra mục tiêu năm 2020 ghi danh vào Top 50 Doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới với doanh thu trên 100.000 tỷ đồng/năm và thực tế đã gần đạt được.
Số liệu tài chính cũng cho thấy rõ hơn điều này. Tài sản cố định của Hòa Phát tăng từ 12.783 tỷ đồng thời điểm 31/12/2018 lên 65.562 tỷ đồng cuối năm 2020. Sau 2 năm đầu tư xây dựng, khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn của Hòa Phát giảm từ 37.197 tỷ đồng xuống 5.329 tỷ đồng. Điều này do khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2019. Sang đến năm 2020, một loạt cấu phần của liên hiệp này cũng đã đi vào hoạt động.
“Khi xây dựng cơ bản dở dang giảm chuyển sang tài sản cố định thì công suất sinh lợi của Hòa Phát tăng vọt”, ông Long cho biết.

Một điểm vô cùng thuận lợi cho Hòa Phát là khi dự án Dung Quất vừa đi vào hoạt động, thị trường kinh doanh đồng thời diễn tiến ủng hộ, như việc Chính phủ tăng gia đầu tư công trong bối cảnh dịch Covid-19. Điều này dẫn đến nhu cầu cực lớn về thép xây dựng.
Bối cảnh thị trường quốc tế cũng mang lại thuận lợi cho Hòa Phát khi Trung Quốc – nơi sản xuất một nửa lượng thép trên thế giới trong năm 2020 chuyển dịch các nhà máy lớn ra ven biển và đóng cửa một số nhà máy có công nghệ lạc hậu nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Trong khi đó từ giữa năm 2020, Trung Quốc liên tục tung ra các biện pháp kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng kéo theo nhu cầu thép tăng cao. Trung Quốc phải nhập khẩu 38,5 triệu tấn thép, tăng 150%.
Theo Thảo Nguyên
Doanh nghiệp và tiếp thị