Thủ tướng: Phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9

Lãnh đạo Chính phủ nêu mục tiêu phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9, đồng thời từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh ở nơi an toàn.

Kết luận phiên họp Chính phủ ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tình hình kinh tế – xã hội 8 tháng qua chịu tác động rất lớn bởi Covid-19. Ông nêu rõ, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát tốt dịch bệnh, đây là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế.

Trong lúc vaccine khan hiếm, chưa bao phủ tiêm chủng thì các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, ngày 6/9. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, ngày 6/9. Ảnh: Nhật Bắc

“Chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh, giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn…”, Thủ tướng nói và đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng.

Ông chỉ đạo thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm (dự kiến 2-3 triệu lượt người); duy trì, tạo thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh, bảo đảm hiệu quả, an toàn.

“Trong lúc khó khăn này, phải biến nguy thành cơ, cơ hội để đánh giá quản trị quốc gia, cơ hội đánh giá cán bộ, cơ hội chuyển đổi số, phát triển kinh tế số”, ông nói.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Từ nay đến 15/9, các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch tổng thể chung khi mở cửa nền kinh tế.

Nhắc đến câu chuyện kiểm soát đi lại đối với người dân ở các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói các bộ, ngành đã xây dựng nhiều ứng dụng (app) liên quan. Do đó, các địa phương cần nghiên cứu, chủ động chuẩn bị trước để khi cần, có thể áp dụng triển khai ngay, tránh lúng túng, bị động.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ ngày 6/9. Ảnh: Nhật Bắc
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ ngày 6/9. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine (không tính nguồn Covax – đã có cam kết nhưng do khan hiếm vaccine nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vaccine sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Ông đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt một triệu mũi mỗi ngày mới hoàn thành kế hoạch.

Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi một trước ngày 15/9. Về vaccine cho trẻ em, Bộ đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.

Về việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi, Bộ Y tế đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ đã giảm.

Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thế giới có khả năng sản xuất 1,5 tỷ liều vaccine mỗi tháng vào cuối năm 2021 và 2,2 tỷ liều mỗi tháng trong năm 2022. Với tín hiệu tích cực về vaccine, các nước có thể đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho năm 2022.

Ông Hùng cho rằng, xu hướng của thế giới hậu Covid-19 là kinh tế xanh và kinh tế số, trong đó kinh tế số sẽ tăng trưởng nhanh.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến 5/9 lên 520.014, ở 62 tỉnh thành.

Viết Tuân
Theo Vnexpress

Leave a Reply